Chống quân Tương – Hoài Lại_Văn_Quang

Triều đình nhiệm mệnh cho Tăng Quốc Phiên thống soái quân TươngHoài tiễu phạt, Quốc Phiên tiến hành chiến lược "lấy tĩnh chế động", thiết lập vòng vây quanh 4 tỉnh Dự, Hoàn, Tô, Lỗ, từ từ xiết lại hòng tiêu diệt nghĩa quân. Văn Quang đưa quân đi qua Hà Nam đến Hoàn Bắc, cùng bọn Trương Tông Vũ vây đánh Trĩ Hà Tập, mãi không hạ được; vào ngày 25 tháng 7 cởi vây, cùng Trương Tông Vũ chia nhau hoạt động ở 2 lộ Hoàn, Dự - Lỗ, Tô.

Ngày 18 tháng giêng (1866, vẫn còn trong năm Âm lịch), Văn Quang đưa quân vào Hồ Bắc, chiếm Ma Thành, tiến hạ Hoàng Pha. Ngày 18 tháng 2 năm thứ 5 (1866), nghĩa quân đại phá quan quân ở Hoàng Cương, giết chết tổng binh Lương Hồng Thắng. Tiếp đó đi qua Dự Đông, chạy khỏi Hoàn Bắc, nhắm đến Sơn Đông. Ngày 26 tháng 4, hội họp với Trương Tông Vũ ở Vận Thành thuộc Sơn Đông. Trung tuần tháng 5, nghĩa quân liên tiếp bị quân Hoài của đề đốc Lưu Minh Truyện đánh bại ở Cự Dã, Hà Trạch, 2 cánh quân lại tách ra, chia nhau hoạt động ở 1 dải Tô Bắc, Hoàn Bắc và Dự Đông.

Lúc này, Tăng Quốc Phiên đề xuất mặt tây lấy sông Sasông Giả Lỗ, mặt nam lấy sông Hoài làm phòng tuyến; mặt bắc từ Chu Tiên Trấn đến Khai Phong và bờ nam Hoàng Hà nam đào hào xây tường, hòng vây khốn quân Niệp Mới ở khu vực giao giới Ngạc, Dự, Hoàn. Trung tuần tháng 9, Văn Quang, Tông Vũ hội quân ở 1 dải Vũ Châu, Hứa Châu, tìm các vị trí chưa xây tường ở khoảng từ Chu Tiên Trấn về phía bắc đến Khai Phong, theo đó thoát ra, vượt qua Úy Thị, Trung Mưu nhắm hướng bắc mà chạy. Đêm 24 tháng 9, nghĩa quân xông qua tường tại Lô Hoa Cương ở mặt nam Khai Phong, đánh tan quân Dự của tuần phủ Lý Hạc Niên, chạy theo hướng đông, vượt Trần Lưu, đi khỏi Sơn Đông. Kế hoạch vây diệt của Tằng Quốc Phiên phá sản.

Sau đó, Văn Quang tiếp tục hoạt động ở Trung Nguyên, còn bọn Tông Vũ chuyển sang các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc ở phía tây, liên kết với nghĩa quân dân tộc Hồi, sử cũ gọi là Đông Niệp – Tây Niệp. Có thuyết cho rằng bọn họ bất đồng về chiến lược, nhưng Văn Quang trong Tự thuật đã nhận rằng ông phái bọn Tông Vũ đi, nhằm tạo thế ỷ giốc, tránh tình trạng co cụm ở Trung Nguyên. Trên thực tế, 2 cánh quân Niệp Mới bị quan quân chia cắt, cô lập, không thể phối hợp với nhau được nữa.